• Tiếng Việt
  • English

Bánh cuốn chả mực – gần rạp Bạch Đằng

Feb07

Đất Quảng Ninh có những “vũ khí ẩm thực” bí mật nào để giữ chân khách du lịch?

Đó là câu hỏi cứ canh cánh mãi trong đầu tôi trước khi đặt chân đến vùng đất này. Đà Nẵng, Huế có bánh bèo, bún mắm nêm, Hội An có cao lầu, Cần Thơ có hủ tiếu, Hà Nội là bún đậu mắm tôm, vậy Quảng Ninh thì sao?

Nhưng rồi câu hỏi ấy không chỉ có một mà đến mười lời giải đáp “ngon lành”, tha hồ cho tôi và nhiều du khách khác cứ ngẩn ngơ nhớ hoài về vùng đất này. Nếu bạn chưa bao giờ đặt chân đến Quảng Ninh, hãy điểm qua 10 đặc sản sau để có thêm động lực “hẹn hò” với nơi này nhé.

Chả mực – chợ Hạ Long 1

Đến Quảng Ninh, món đầu tiên tôi tìm thử chính là chả mực Hạ Long trứ danh bởi khá tò mò muốn nếm thử hương vị của món nằm trong top 10 châu Á. Và rồi tôi vỡ lẽ ra ngay…

Chả mực được bình chọn là một trong 10 món ăn ngon nhất châu Á. (Ảnh: Internet)

Chả mực Hạ Long thật sự xứng đáng nằm trong bảng xếp hạng danh giá ấy. Những miếng chả mực có màu vàng rộm tự nhiên, đều đặn, hương thơm sực nức ngay từ trên chảo rán, vị ngọt đậm đà, giàu đạm biển cùng độ dẻo dai tươi ngon, xen lẫn những “hạt lựu” xắt từ vây mực và râu mực giòn sần sật. Tất cả mang lại cho thực khách những trải nghiệm lạ lùng mà đầy cuốn hút, khiến tín đồ ăn uống như tôi cứ muốn xơi mãi không dừng.

Bánh cuốn chả mực – gần rạp Bạch Đằng

Đi dạo gần khu rạp Bạch Đằng, anh bạn người bản địa chợt lôi tôi vào một quán bánh cuốn chả mực để mời bữa tối. Bánh cuốn thì tôi biết thừa, lại vừa thưởng thức chả mực chính gốc Hạ Long, vậy khi hai món này kết hợp lại thì sẽ như thế nào nhỉ?


Bánh cuốn chả mực – sự kết hợp hoàn hảo giữa bánh cuốn thuần túy và chả mực Hạ Long ngon nổi tiếng. (Ảnh: Internet)

Vẫn là những chiếc bánh cuốn được tráng mỏng khéo léo ôm lấy phần thịt bằm, nấm, mộc nhĩ bên trong, nghi ngút khói bay hương thơm của ruốc, hành phi. Phải gắp bánh cuốn, ăn kèm với rau mùi, một miếng chả mực vừa chiên vàng rộm, rồi nhúng tất cả vào bát nước chấm màu hổ phách sóng sánh khoanh ớt đỏ… ấy mới là cách thưởng thức món bánh cuốn chả mực thực thụ. Cả đêm ấy, tôi hoàn toàn ngây ngất bởi sự kết hợp tuyệt vời của bánh cuốn đã quen thuộc với chả mực Hạ Long – đậm đà, dân dã mà hấp dẫn.

Sam Quảng Yên – đường 25 tháng 4

Từ một người không quá mặn mà với hải sản, tôi phá lệ “phát cuồng” vì sam Quảng Yên. Cũng không quá lạ, bởi sam Quảng Yên là một món đặc sản nổi tiếng gần xa của đất Quảng Ninh này.


Chỉ với những con sam biển, người ta có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn khác nhau. (Ảnh: Internet)

Chỉ với những con sam biển, người ta có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn khác nhau như tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến… Món nào cũng đặc biệt thơm ngon và “gây thương nhớ” theo một cách khác nhau. Sam Quảng Yên chắc chắn là một món ăn không thể bỏ lỡ khi du lịch xứ này.

Sá sùng – Vân Đồn

Dẫu biết sá sùng khá đắt đỏ nhưng tôi vẫn “liều mình” thử món ăn này, xem như không uổng phí chuyến thăm thú Quảng Ninh. Và nếu có một danh sách để xếp hạng những món ăn buộc phải thử một lần trước khi chết, sá sùng nhất quyết phải nằm ở thứ hạng khá cao.


Sá sùng – món ăn đắt đỏ nhưng rất đáng để thử một lần trong đời. (Ảnh: Internet)

Sá sùng chỉ có ở đảo Quan Lạn – Minh Châu (thuộc Vân Đồn, Quảng Ninh). Món ăn phổ biến và được yêu thích nhất ở đây là sá sùng tươi xào tỏi. Tỏi tươi hăng hắc tôn vinh độ ngọt của sá sùng. Ngoài ra, sá sùng cũng rất ngon nếu được phơi khô rồi đem rang cho đến khi chuyển màu vàng bắt mắt, dậy lên một mùi thơm nồng ngậy đậm đà của biển. Sá sùng rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau diếp cá, rau thơm kèm theo uống bia thì thật là tuyệt.

Bánh “gật gù” – phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên

Tôi có cái tật hễ nghe món nào mang tên là lạ, “kích thích” một chút là kiểu gì cũng phải tìm ăn cho được. Có lẽ đó là cái cơ duyên đưa tôi đến với nhiều món ăn ngon trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có bánh “gật gù” ở thị trấn Tiên Yên.


Món này không tạo cảm giác vồ vập mà nhẹ nhàng, dân dã khi cảm giác mát, mềm của bánh, vị ngọt bùi, thơm, ngậy của miếng khâu (thịt kho tàu) cứ dần lan tỏa trong cuống họng rồi “buộc” não phải nhớ nhung hoài. (Ảnh: Internet)

 

Thật ra, bánh “gật gù” khá giống bánh cuốn, cũng là bột được xay từ gạo ngon, ngâm với nước trước. Nhưng với bánh “gật gù”, khi xay gạo, người ta sẽ cho thêm một ít cơm nguội để bánh ngon hơn. Khi ăn, chỉ cần nhúng miếng bánh vào chén nước chấm đặc biệt cùng với một miếng khâu nhục (tức thịt kho tàu) được tẩm ướp kĩ càng.

Món này không tạo cảm giác vồ vập mà nhẹ nhàng, dân dã khi cảm giác mát, mềm của bánh, vị ngọt bùi, thơm, ngậy của miếng khâu cứ dần lan tỏa trong cuống họng rồi “buộc” não phải nhớ nhung hoài.

Bún bề bề – Cầu Trắng

Với nguồn nguyên liệu tươi sống được lấy từ vùng biển Quảng Ninh – nơi được xem là có loại bề bề siêu ngon – bún bề bề ở Cầu Trắng nhất quyết là nơi bán món ăn này tuyệt nhất quả đất.


Nổi bật nhất trên cùng của tô bún vẫn là những con bề bề đã được chế biến sẵn có phần thịt dai chắc và hương vị ngon ngọt, đậm đà. (Ảnh: Internet)

Cùng nhiều nguyên phụ liệu khác như cải ngọt, tôm sắt nõn, hành khô, hành lá, rau mùi, cà chua, ớt, nước dùng chính là nước luộc vỏ bề bề đã được lọc sạch và nước hầm xương ống, bún bề bề mang hương vị đậm đà, chua cay, ngọt ngào đến lạ. Nhưng nổi bật nhất trên cùng của tô bún vẫn là những con bề bề đã được chế biến sẵn có phần thịt dai chắc và hương vị ngon ngọt, đậm đà.

Bánh tài lồng ếp – khu vực Cẩm Phả, Vân Đồn
Là một đặc sản của người Sán Dìu sinh sống tại Quảng Ninh, bánh tài lồng ếp có vẻ bề ngoài khá đơn giản, hình dạng gần giống bánh bò thốt nốt ở miền Tây nhưng màu sậm hơn một chút.


Với những nguyên liệu chính như bột nếp, đường phèn, gừng, qua nhiều giai đoạn chế biến công phu, kĩ lưỡng, trách sao món bánh tài lồng ếp này lại ngon đến thế. (Ảnh: Internet)

Với những nguyên liệu chính như bột nếp, đường phèn, gừng, qua nhiều giai đoạn chế biến công phu, kĩ lưỡng, trách sao món bánh tài lồng ếp này lại ngon đến thế. Trước khi ăn, tôi phải hít hà thật kĩ hương thơm gừng thoang thoảng, mùi ngọt lịm hấp dẫn của đường phèn từ mẩu bánh nhỏ, để rồi hồi hộp cắn vào miếng bánh màu vàng nâu với một lớp lạc và vừng trên bề mặt.

Bún xào ngán – ven sông Chanh, thị trấn Quảng Yên

Bún xào ngán nhưng càng ăn càng ghiền chứ không hề ngán đâu nhé. Thật ra, ngán ở đây là một loài động vật nhuyễn thể, có vỏ cứng, thuộc họ sò hến và thường sống nơi bùn đất ven biển. Đặc biệt, ở Quảng Ninh, loài ngán này có khá nhiều.


Bún xào ngán nhưng càng ăn càng ghiền chứ không hề ngán đâu nhé. (Ảnh: Internet)

Thoạt nhìn, tôi hơi hụt hẫng vì một dĩa bún xào ngán không có nhiều màu sắc và bày trí không hấp dẫn, chỉ có màu trắng của bún trộn lẫn với màu đen của ngán, có thêm mộc nhĩ, nấm hương cũng màu đen cùng một chút màu xanh hành lá. Nhưng đến khi thử qua đũa đầu tiên, tôi cứ bần thần mãi bởi vị cay nồng rất đặc trưng của ngán, lại ăn cùng mộc nhĩ, nấm hương, mùi thơm thoang thoảng của mỡ và hành phi.

Gà đồi Tiên Yên – thị trấn Tiên Yên

Từ Hạ Long, theo Quốc lộ 18 ngược bắc 70km sẽ gặp thị trấn Tiên Yên. Ở đây tôi được chén no nê món đặc sản gà đồi trứ danh.


Da gà Tiên Yên không chỉ vàng mọng mà còn rất dày. (Ảnh: Internet)

Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món mà vẫn ngon ngất ngây, đặc biệt là món gà luộc thuần túy – đơn giản nhưng luôn hiệu quả. Nhìn con gà Tiên Yên sau khi luộc, bạn sẽ không thể nào tin được rằng nó chỉ được chế biến một cách thông thường, vì da gà trở nên vàng ươm như có thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Da gà Tiên Yên không chỉ vàng mọng mà còn rất dày. Thoạt trông, bạn có thể ngậy vì chất béo, nhưng khi cắn một miếng mới thấy nó thật giòn và ngọt.

Sữa chua trân châu – phố Văn Lang

Ngắm phố phường chán chê, buổi tối muộn càng trở nên thi vị hơn nhờ cốc sữa chua trân châu mát lạnh.


Hương vị bùi bùi, nong nóng của nước cốt dừa và trân trâu, pha thêm chút se lạnh, chua chua, ngọt ngọt đậm đà rất riêng của kem làm người ăn nhớ về sữa chua trân châu mãi. (Ảnh: Internet)

Vừa gọi sữa chua trân châu, tôi đã nhận được hai cốc tách biệt: một chứa trân châu pha lẫn nước cốt dừa đã được đun nóng và một là li kem sữa chua khá to và mát lạnh. Hơi ngạc nhiên vì món ăn vặt lạ lẫm này, tôi trộn hai cốc vào nhau. Hương vị bùi bùi, nong nóng của nước cốt dừa cùng trân trâu, pha thêm chút se lạnh, chua chua, ngọt ngọt đậm đà rất riêng của kem làm tôi “đổ đứ đừ” ngay và luôn. Thậm chí, đôi khi lang thang ăn vặt ở Sài Gòn, tôi vẫn còn thòm thèm món sữa chua trân châu đất Quảng Ninh